Bà Esther Barak Landes, CEO Quỹ đầu tư Nielsen Innovate, một vườn ươm công nghệ hàng đầu Israel đã có mặt tại Hà Nội để tham gia Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn Israel” vào ngày 21 tháng 9 năm 2016 vừa qua với tư cách diễn giả danh dự. Bà Esther Barak Landes cũng chính là người cộng sự thân thiết của doanh nhân Igal Ahouvi (Lãnh sự Danh dự của Việt Nam tại Israel, chủ đầu tư dự án ALMA) trong suốt nhiều năm. Ông Igal Ahouvi đồng thời là một trong những nhà sáng lập và nhà đầu tư chính của Quỹ Nielsen Innovate. Nhân dịp này, ALMA đã có cơ hội trò chuyện và chia sẻ cùng bà về những kinh nghiệm quý báu từ “Quốc gia khởi nghiệp Israel” cũng như quan điểm của bà về các dự án đầu tư của ông Igal Ahouvi trong thời gian gần đây, đặc biệt trong đó có dự án khu nghỉ dưỡng ALMA Nha Trang.

Bà Esther Barak Landes, CEO Quỹ đầu tư Nielsen Innovate (Israel)
PV: Chào bà Esther. Chào mừng bà đến Việt Nam. Rất vinh dự cho ALMA khi có cuộc phỏng vấn riêng cùng bà ngày hôm nay. Bà có thể chia sẻ đôi chút về bản thân và những kinh nghiệm làm việc của mình trước khi trở thành CEO của Quỹ Nielsen Innovate, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Israel?
– Cảm ơn bạn. Trước khi thành lập Nielsen Innovate, tôi đã cùng ông Igal Ahouvi thành lập Quỹ Công nghệ cao Partam, một quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ sinh học (Partam và Nielsen cùng thành lập Quỹ Nielsen Innovate). Tại Partam – một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Israel, chúng tôi tiên phong đầu tư vào 40 start-up trong các lĩnh vực truyền thông và Internet. Các start-up thành công từ Partam đáng chú ý bao gồm: Dapper (Yahoo!), Playtika (khởi đầu cho Tổng công ty Caesars Entertainment vừa được bán lại cho một tập đoàn đầu tư hàng đầu của Trung Quốc trị giá 4,4 tỷ đô la), Storwize (IBM) và nhiều hơn nữa, cũng như dịch vụ công cộng cho Evogene và Prolor. Bắt đầu từ Partam, tôi đã phát triển một hệ thống thẩm định để đầu tư cho các start-up trong giai đoạn đầu, tạo điều kiện cho các công ty đầu tư được hưởng lợi nhuận từ giá trị gia tăng của chương trình.
Từ Partam và bây giờ Nielsen Innovate, tôi đã có được kinh nghiệm làm việc với các công ty nghiên cứu thị trường, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, phân tích dữ liệu, tiếp thị và quảng cáo các giải pháp, đo lường hiệu quả chiến dịch, dữ liệu, phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại di động.
Dựa trên những kinh nghiệm của mình, tôi tin tưởng chắc chắn trong việc hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận và làm việc với Quỹ sáng lập Ima, Stride, Zionoot 2000, SpaceIL, Moviloot, và Moona.
 PV: Theo bà, điều gì tạo nên sự khác biệt của Quỹ đầu tư Nielsen Innovate? Những nguyên nhân nào cho sự phát triển mạnh mẽ của Quỹ này trong thời gian vừa qua?
Điều khiến Nielsen Innovate trở nên khác biệt, tại Israel cũng như trên toàn cầu, chính là sự hỗ trợ và đồng hành mà chúng tôi và các công ty cộng sự nhận được từ Nielsen. Mỗi công ty thành viên đều được kết nối trực tiếp với các cố vấn cấp cao của Nielsen, giúp chúng tôi nhìn nhận về tình hình thực tế của thị trường, xu hướng của sản phẩm và các hoạt động kinh doanh tiếp thị để đảm bảo rằng những giải pháp chúng tôi đang xây dựng và phát triển phải phù hợp với nhu cầu của thị trường. Từ đó, khi các nhóm start-up đã sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường, Nielsen cũng hỗ trợ chúng tôi trong việc tiếp cận các đối tượng khách hàng đa dạng khác nhau.
Những hỗ trợ từ phía Nielsen, cùng với những nỗ lực của các cổ đông và đội ngũ nhân viên tại Israel đã mang đến sự phát triển mạnh mẽ cho Quỹ lồng ấp Nielsen Innovate.
PV: Như chúng tôi được biết, bà sẽ tham dự Hội thảo quốc tế về tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vào ngày 21 tháng 9 tại Hà Nội với tư cách là một diễn giả danh dự. Vậy bà có thể cho biết chủ đề bài diễn thuyết của bà tại hội nghị này là gì? Nó có tác động tích cực như thế nào đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam?
Bài diễn thuyết của tôi sẽ tập trung vào vấn đề: Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, trong đó bao gồm các nhà khởi nghiệp, các nhà đầu tư, chính phủ và các dịch vụ hỗ trợ start-up khác, có thể học hỏi gì từ Israel – một đất nước với kinh nghiệm khởi nghiệp trong suốt hơn 25 năm qua.
Tại Israel, chúng tôi đã trải qua rất nhiều bài học từ chính những thành công và thất bại của mình. Và tôi hy vọng rằng, tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm đó với những người tham dự hội thảo này để họ có thể thực hiện thành công cuộc hành trình đi từ ý tưởng khởi nghiệp đến việc tạo nên lợi nhuận từ ý tưởng đó.
Ví dụ, trong nhiều năm trước đây, các nhóm khởi nghiệp Israel thường tập trung vào thị trường Mỹ. Mặc dù Mỹ có thể là thị trường mục tiêu phù hợp với một số công ty trong những ngành công nghiệp nhất định, nhưng đối với các nhóm còn lại, những thị trường gần hơn như Châu Âu, Trung Đông và châu Á đã được chứng minh là phù hợp hơn rất nhiều. Và trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều công ty Israel chuyển trọng tâm thành công khi hướng đến các quốc gia châu Á.

Bà Esther Barak Landes tại Hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn Israel”
PV: Bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn mà start-up Việt Nam đang gặp phải? Và theo bà, yếu tố nào quyết định sự thành công của một start-up?
Từ những gì tôi đã nghe, đọc và tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, những thuận lợi của các bạn chính là tuổi trẻ, sự thông minh, năng lực và một thị trường công nghệ cao, với những con người chăm chỉ sở hữu tinh thần làm việc mạnh mẽ, cũng như có một lực lượng lao động giá rẻ, một nền kinh tế đang phát triển nhanh và một môi trường đầu tư năng động. Những thách thức của các bạn bao gồm thiếu sự phát triển đồng bộ, thiếu những nhà khởi nghiệp thành công xứng tầm quốc tế để trở thành hình mẫu cũng như dẫn dắt những thế hệ khởi nghiệp tiếp theo. Tất nhiên, những trở ngại này cũng không thể ngăn Flappy Bird trở thành một thành công quốc tế.
Theo tôi, những yếu tố quyết định sự thành công của một start-up chính là việc định hướng, trọng tâm và sự kiên trì của những người sáng lập.
PV: Lĩnh vực nào mà bà cảm thấy đặc biệt thu hút đối với một start-up Việt Nam tại thời điểm này? Và đâu là lĩnh vực chính tại thị trường Việt Nam mà các nhà đầu tư nên chú ý?
Với những gì tôi đã nghe và đọc về thị trường này, ngành công nghệ di động chính là một thị trường hấp dẫn đối với các start-up Việt Nam. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh chính là, tôi khuyên các nhà sáng lập nên tập trung vào các lĩnh vực mà họ đam mê. Thật không hề dễ dàng để thiết lập và xây dựng một start-up thành công, vì vậy, trước hết các bạn cần phải có đam mê và kiên trì nuôi dưỡng niềm đam mê đó trong lĩnh vực mà bạn lựa chọn.
Với một thị trường rộng lớn như Việt Nam (90 triệu dân, so với 8.4 triệu dân của Israel), các start-up Việt Nam, trong bất kỳ lĩnh vực nào, nên cân nhắc việc bán hàng và tiếp thị theo chiến lược “bên trong Việt Nam” trước, tức là tập trung giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nội địa trước. Từ đó tiếp nhận những phản hồi để hoàn thiện sản phẩm của mình. Sau khi sản phẩm đã được điều chỉnh để phù hợp với thị trường trong nước, họ có thể chuyển sang chiến lược vươn ra bên ngoài Việt Nam, đưa sản phẩm và dịch vụ của họ ra cạnh tranh quốc tế.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, các nhà đầu tư cũng nên nhìn nhận những nhà sáng lập thông minh, nhanh nhạy, có định hướng và kiên trì, những người có thể biến ý tưởng của mình trở thành một công ty start-up thành công và tạo nên lợi nhuận.

Bà Esther Barak Landes tại Hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn Israel”
PV: Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, bà có lời khuyên nào cho các start-up Việt Nam để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp?
– Thứ nhất, hãy nghĩ xa ra ngoài Việt Nam. Dù bạn không cần nhắm đến mục tiêu là nước Mỹ, bạn cũng nên nhắm đến các thị trường bên ngoài Việt Nam. Hãy bắt đầu với các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippin. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ dễ dàng lựa chọn để dồn quỹ cho các start-up có trọng tâm đa quốc gia.
Thứ hai, hãy kiểm chứng ý tưởng của bạn càng sớm càng tốt. Tôi đã từng thấy rất nhiều ý tưởng xuất phát ban đầu nghe có vẻ rất tuyệt vời, nhưng lại không được phát triển đúng. Hãy chắc chắn rằng ý tưởng của bạn đã được những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó xem xét. Đối với những giải pháp tập trung vào người tiêu dùng, hãy kiểm tra nó có thích hợp hay không càng sớm càng tốt.
Thứ ba, xác định mô hình kinh doanh của bạn là gì? Có rất nhiều ý tưởng được người dùng yêu thích nhưng họ lại không hề muốn trả tiền cho nó. Vì vậy, hãy chắc chắn ý tưởng khởi nghiệp của bạn có mô hình kinh doanh mà bất kỳ người dùng hay tổ chức nào đều sẵn lòng trả tiền để được sử dụng.
Thứ tư, lựa chọn đúng đối tác và nhà đầu tư. Không còn gì tệ hơn đối với một start-up khi lựa chọn sai đối tác và nhà đầu tư. Mặc dù những người sáng lập không nhất thiết phải đồng ý với mọi bình luận hoặc ý kiến của đối tác/ nhà đầu tư nhưng ít nhất họ cùng phải có chung một mục tiêu. Khi những mục tiêu này không được đồng nhất thì chắc chắn người sáng lập sẽ phải dành quá nhiều thời gian để quản lý các mối quan hệ mà không còn đủ thời gian để phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình nữa.
Thứ năm, hãy xây dựng một kế hoạch dài hơi. Mặc dù start-up phải đối mặt với rất nhiều trở ngại trước mắt nhưng đừng quên bạn cần phải có một kế hoạch dài hơi cho chính mình. Ít nhất, CEO của một start-up cũng nên xây dựng một kế hoạch cho công ty của mình trong vòng 3-4 năm để đảm bảo dự án đi theo đúng lộ trình. Chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không bao giờ bỏ tiền ra cho một dự án không có kế hoạch dài hạn.
PV: Israel được đánh giá là một trong những điểm đến hàng đầu cho các doanh nhân và các nhà đầu tư mạo hiểm, cùng với Silicon Valley ở Carlifonia và các trung tâm kinh tế châu Âu. Trong thực tế, Israel được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp” với diện tích nhỏ, nền kinh tế trẻ và dân số văn hóa đa dạng. Theo bà, Israel đã đạt được vị trí này như thế nào?
Tôi tin rằng Israel đã đạt được những thành công này chính bởi những chính sách khích lệ của chính phủ. Sự phát triển của các chương trình lồng ấp khởi nghiệp của Văn phòng Khoa học, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Lao động năm 1992 đã mang đến khoản đầu tư hơn 650 triệu đô la Mỹ cho hơn 1700 start-up, cung cấp việc làm cho hàng trăm ngàn người dân Israel cũng như tạo nên hàng trăm triệu doanh thu cho chính phủ. Ngoài ra, chính phủ còn cung cấp các ưu đãi về thuế và rất nhiều hỗ trợ khác nhằm khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để các start-up vươn ra thị trường quốc tế.
Với một đất nước chỉ 8.4 triệu dân, thành công của một start-up chắc chắn sẽ bị giới hạn nếu họ chỉ tập trung vào thị trường Israel. Vì thế, các start-up Israel đã bắt đầu hướng tới thị trường Mỹ và trong những năm gần đây là thị trường châu Âu và châu Á.
Là một nền kinh tế trẻ chỉ được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Israel không có cơ cấu chính phủ hoặc doanh nghiệp lâu đời để hỗ trợ phát triển. Vì vậy, chính phủ Israel cho phép các nền kinh tế nhỏ phát triển, ví dụ như các nhóm người nhập cư từ Liên Xô cũ những năm 1990,… Chính vì vậy, Israel mới được gọi là “Quốc gia khởi nghiệp”.
Israel cũng là một đất nước thiếu tài nguyên thiên nhiên. Điều này buộc chúng tôi phải nhanh nhạy và tháo vát hơn. Chẳng hạn, để khắc phục tình trạng thiếu nước, Israel đã phát triển công nghệ khử muối, nhằm tận dụng nguồn nước biển chuyển đổi thành nước sinh hoạt và nước dùng cho nông nghiệp. Và cho đến nay, Israel đã trở thành quốc gia đi đầu trong công nghệ này.
Các yếu tố khác góp phần tạo nên “Quốc gia khởi nghiệp” Israel bao gồm nghĩa vụ quân sự bắt buộc và mong muốn cải thiện tình hình chính trị của Israel. Tại Israel, sau khi tốt nghiệp trung học, hầu hết mọi người đều bắt đầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong Lực lượng Phòng vệ Israel, nơi những bạn trẻ chỉ 18-21 tuổi đã được trao nhiều trách nhiệm quan trọng mà không phân biệt thứ bậc. Một bạn trẻ 20 tuổi có thể góp ý/ khiển trách người giám sát 42 tuổi. Chính điều này đã tạo nên những kết quả vượt trên tuổi tác hay kinh nghiệm, tạo nên một quốc gia của những doanh nhân.
PV: Sự phát triển mạnh mẽ luôn đi kèm với rủi ro. Liệu Israel có phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào như vậy không?
Tất nhiên, luôn luôn có những rủi ro trong công nghệ, rằng chúng ta đã đầu tư cho đúng công nghệ chúng ta cần hay chưa? Liệu giải pháp đó có thể thắng trong cạnh tranh hay không? Có thể sẽ có những dự án/ giải pháp mới ra đời khiến chúng tôi trở nên lỗi thời.
Theo thống kê, 9/10 start-up có thể thất bại. Câu hỏi đặt ra ở đây là, chúng ta học được những gì từ chính những thất bại của mình? Chúng ta có thể tiếp nhận những gì chúng ta học được để thành công trong các dự án về sau? Tôi chưa bao giờ gặp một doanh nhân chưa từng thất bại. Khi bạn có ước mơ lớn, chắc chắn bạn có thể vấp ngã đôi lần. Điều quan trọng là bạn phải học từ những vấp ngã đó.

“DỰ ÁN ALMA LÀ SỰ ĐẦU TƯ THÔNG MINH”

PV: Là CEO của Quỹ Nielsen Innovate cũng như cộng sự của ông Igal Ahouvi, bà có nhận định như thế nào về các phi vụ đầu tư gần đây của ông, bao gồm dự án ALMA tại Nha Trang, Việt Nam?
Với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành du lịch Việt Nam, dự án ALMA có vẻ là một sự đầu tư thông minh của ông Igal Ahouvi.
Tôi đã quen biết và làm việc cùng ông Igal Ahouvi trong nhiều năm và tôi biết rằng ông là một nhà đầu tư khôn ngoan và hiểu biết bất kỳ thị trường nào ông gia nhập. Ông Ahouvi có khả năng xác định tiềm năng trước khi những người khác bắt đầu. Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng của ông Ahouvi bởi ông là một chủ đầu tư và nhà lãnh đạo kinh doanh biết cách để phát triển công ty và tạo lập thị trường. Ông Igal Ahouvi cũng được biết đến bởi nhân cách và sự chuyên nghiệp trong bất kỳ mọi việc ông làm. Tôi chắc chắn rằng, dự án ALMA sẽ trở thành một dự án thành công cho tất cả các bên liên quan bao gồm các khách hàng cũng như quốc gia.
Ngoài lợi ích kinh doanh của mình, ông Igal Ahouvi là một người thực sự tin tưởng vào đất nước, con người Việt Nam cũng như những tiềm năng, sự thông minh và ấm áp tình người. Ông chắc chắn sẽ không tập trung nhân lực nhiều đến vậy nếu ông không tin tưởng và đánh giá cao con người Việt Nam.
PV: Ông Igal Ahouvi luôn có một đánh giá tích cực về đất nước và con người Việt Nam. Ông cũng tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia mạnh về kinh doanh và khởi nghiệp. Quan điểm của bà về những đánh giá này như thế nào?
Từ những gì tôi đã nhìn thấy, tôi hoàn toàn đồng ý với ông Igal Ahouvi rằng Việt Nam là một quốc gia mạnh về khởi nghiệp và kinh doanh. Con người Việt Nam là những người có hiểu biết về công nghệ với các kỹ năng và tinh thần làm việc mạnh mẽ. Đây cũng chính là những điều tôi luôn tìm kiếm trong các doanh nghiệp. Và Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện chắc chắn sẽ thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư quốc tế giống như ông Igal Ahouvi.
PV; Trong thời gian sắp tới, liệu Quỹ Nielsen Innovate có định hướng mở rộng đầu tư của mình đến các start-up bên ngoài Israel, có thể là Việt Nam chẳng hạn?
Nielsen Innovate là một “lồng ấp” đầu tư vào các công ty trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp. Những công ty này sau đó sẽ phát triển bên ngoài văn phòng của chúng tôi tại Caesarea, Israel. Điều đó nói lên rằng, Nielsen đầu tư và mua lại các công ty công nghệ trong lĩnh vực liên quan trên toàn thế giới. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng Nielsen Innovate với việc tạo ra một quỹ đầu tư tại Singapore – NIF Singapore – và hy vọng cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của chúng tôi tại Việt Nam.
PV: Bà có thể chia sẻ thêm về các hoạt động bên lề trong chuyến đi của bà tại Việt Nam lần này?
Tôi đến Việt Nam để tham gia vào hội nghị quốc tế về khởi nghiệp cũng như để trao đổi với các start-up Việt Nam, các lồng ấp khởi nghiệp và các quan chức chính phủ về những bài học của Israel và về kinh nghiệm cá nhân của tôi trong quá trình vận hành Quỹ Nielsen Innovate – một lồng ấp về công nghệ.
Tôi hy vọng sẽ dành nhiều thời gian với các doanh nhân và những người trong hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam. Tôi muốn hiểu rõ những thách thức mà các bạn đang phải đối mặt và làm thế nào các doanh nhân, các nhà đầu tư,… đang vượt qua những thách thức này. Tôi tin rằng các doanh nhân và những người khác trong hệ sinh thái công nghệ trên toàn thế giới có thể học hỏi lẫn nhau.
Tôi đã nghe rất nhiều điều tuyệt vời về con người Việt Nam – ấm áp, nhân ái, thông minh – vì vậy mà tôi muốn gặp càng nhiều người càng tốt.
Và tất nhiên, tôi cũng sẽ dành thời gian đi thăm thú để trải nghiệm về đất nước và sự hiếu khách của các bạn.


PV: Bà có thể cho chúng tôi biết về cuộc sống phía sau của một giám đốc điều hành Quỹ? Một ngày của bà diễn ra như thế nào?
Ngày bình thường? Ồ tôi không có những điều như vậy! Tôi bắt đầu bằng việc đảm bảo chắc chắn các công ty và các nhân viên của tôi có đầy đủ những thứ họ cần. Thường thì hàng ngày tôi đều gặp gỡ các công ty đầu tư, các doanh nhân, các nhà đầu tư và các đối tác.
Tôi cũng tập trung vào các hợp đồng, nhà đầu tư và giáo dục mỗi ngày. Ngoài việc quản lý danh mục đầu tư hiện tại, tôi đang tìm kiếm các start-up tiếp theo để tham gia Nielsen Innovate. Trong khi đó, tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư để phát triển danh mục đầu tư, đảm bảo triển vọng cho các start-up mà tôi đang định hướng. Ông Igal Ahouvi cũng tham gia cùng chúng tôi mỗi ngày và thường xuyên gặp gỡ các công ty đầu tư.
Một điều đặc biệt quan trọng với tôi là tìm hiểu và nghiên cứu về các ngành công nghiệp và thị trường có liên quan đến các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi bằng cách đọc các ấn phẩm và tham dự các hội nghị liên quan.
PV: Vâng, cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc bà có những ngày làm việc và thăm quan thú vị tại Việt Nam.