TNV – Quỳnh Nga, Tâm Anh và Phương Đông là ba bạn gái tài năng đã xuất sắc giành được học bổng “Đồng hành cùng Thanh niên Việt Nam khởi nghiệp” do Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty ALMA tổ chức. Học bổng đã mang đến cho các bạn cơ hội học tập 3 tuần tại đại học Tel Aviv, Israel với khóa học “Smart cities – Thành phố thông minh”.

Ngay khi đặt chân đến đất nước Israel, các bạn đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nơi này. “Trái với những gì em được biết đến qua truyền thông về khu vực Trung đông đầy bất ổn, Israel hiện ra với một khung cảnh vô cùng thanh bình và xinh đẹp” – bạn Phương Đông chia sẻ.

Phương Đông và Tâm Anh chụp ảnh lưu niệm trước Sarona Market – địa điểm vui chơi, ăn uống khá nổi tiếng tại thành phố Tel Aviv

Không chỉ có cảnh đẹp, các bạn cũng thấy thật bất ngờ với nền văn hóa đặc sắc nơi đây. Israel là một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, vì vậy nơi đây sở hữu những nét đặc trưng không nơi nào có được.

Con người ở đây vô cùng thân thiện, đặc biệt khi biết các bạn là người Việt Nam, họ tỏ ra rất vui mừng và muốn nói chuyện, trao đổi để biết nhiều hơn về Việt Nam.

Trong khóa học, các bạn còn được đến thăm những địa điểm nổi tiếng của Israel, như thánh địa Jerusalem, hay thành cổ Masada cạnh Biển Chết.

Buổi học thường ngày với Giáo sư Juval Portugali của ĐH Tel Aviv

Tất nhiên, các bạn vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình là tiếp thu những kiến thức bổ ích từ khóa học “Smart cities – Thành phố thông minh”. Các bạn đã có những giờ phút học tập sôi nổi, tham gia đóng góp ý kiến của mình, trao đổi với bạn học và giảng viên về những giải pháp ý tưởng để xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.

Sau khi kết thúc khóa học, các bạn còn có dịp được gặp gỡ doanh nhân Igal Ahouvi, chủ đầu tư công ty ALMA và cũng là nhà tài trợ Học bổng lần này. Ông Igal được biết đến là một doanh nhân và là nhà khởi nghiệp nổi tiếng người Israel. Câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông khi có xuất thân chỉ là con của một người lái xe taxi đã cho các bạn nhiều bài học và kinh nghiệm bổ ích.

Lớp học Smart Cities với các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau

Chia sẻ của Phương Đông, Tâm Anh, Quỳnh Nga về chuyến đi Israel

Phương Đông:Trước khi tới đây thì hình dung của em về đất nước Israel là một nơi mà người dân sẽ ít cởi mở, đường phố vắng vẻ. Nhưng khi tới đây rồi thì em thật sự bị choáng ngợp ngay từ sân bay, mọi thứ đều vô cùng đẹp và rất hiện đại, con người vô cùng thân thiện và không ngần ngại giúp đỡ. Ở Tel Aviv, mọi mặt của đời sống đều được số hoá, giúp người dân tận dụng được tối ưu các tính năng công nghệ. Đây là một điểm rất khác so với nước ta và một số quốc gia khác khi phần lớn người dân chỉ sử dụng smart phone đơn giản để giải trí, đó quả là 1 điều lãng phí trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Tel Aviv là một thành phố hiện đại và cởi mở. Ban ngày mọi người hối hả đi làm nhưng đến chiều tối thì lại trở nên sôi động, có thể thấy rõ qua các hàng quán hai bên đường, luôn tấp nập và nhộn nhịp. Tel Aviv còn được mệnh danh là ‘thành phố không ngủ.’

Quỳnh Nga trải nghiệm công nghệ “thực tế ảo” (Virtual Reality). Chính quyền Tel Aviv áp dụng công nghệ này trong việc quy hoạch đô thị

Còn Jerusalem lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác.Theo như em cảm nhận, Jerusalem có chút gì đó tĩnh lặng và bình dị hơn Tel Aviv. Có lẽ vì đây là một thành phố lâu đời, mang nét cổ kính đặc trưng, từ kiến trúc cho tới cách ăn mặc của người dân. Em quan sát thấy người Jerusalem đi trên đường họ luôn rất vội vàng, kể cả người già và trẻ nhỏ. Bọn em tới Jerusalem vào đúng ngày Shabbath day nên có cơ hội được cảm nhận không khí thiêng liêng của ngày lễ này. Nét đặc trưng văn hoá thể hiện rõ qua các nghi lễ (hoặc hoạt động) của người dân, đơn cử là tại “Bức tường than khóc” khi họ nhảy múa và đọc kinh thánh mừng lễ Shabbath.

Tâm Anh:Nếu hỏi mình thích điều gì nhất ở đây chắc chắn sẽ là con người. Cũng ko biết là đúng hay sai nhưng theo những gì mình cảm thấy ai ai cũng chân thành, ko giả dối, ko xét nét, ko ganh đua, ko mệt mỏi.

Từ lúc còn đang lặt lè ôm chiếc vali 20kg lên mấy tầng cầu thang của ktx thì 1 cậu bạn từ đâu đó chẳng nói chẳng rằng chạy đến xách lên giúp  hay lúc còn đang đi khập khiễng đau đớn trên đôi giày cao gót trong khuôn viên trường thì được 1 cô bạn không quen chạy theo đưa cho 2 chiếc urgo xinh xinh.

Quỳnh Nga và Tâm Anh trên đường lên pháo đài Masada

Ở đất nước này, đi đến đâu bọn mình cũng được chào đón bằng vài chút tình cảm ấm cúng đến bất ngờ. Có lần đến 1 quán cafe, khi giới thiệu là người Việt Nam bác đã bất ngờ kể cho nghe bác đã đi khắp 1 dọc Việt Nam như 1 bữa tiệc độc thân cuối cùng. Bác cố gắng phát âm từng tỉnh thành bác đi qua với 1 niềm tự hào. Tự dưng lúc ấy trong lòng mình cũng dấy lên 1 niềm tự hào đất nước. Đến cuối trước lúc cửa hàng sắp đóng cửa, bọn mình chuẩn bị về và thanh toán thì bác bảo: ” Các cháu là người Việt Nam, là những vị khách mời đặc biệt của bác hôm nay, các cháu không cần gửi tiền”…

Hay 1 hôm khác lúc 3 chị em còn đang tắc trên đỉnh Mount of Olive lúc trời tối muộn, không biết đường về thì gặp 1 người xa lạ trên đường. Mình dừng lại và hỏi chú đường đi, chú không nói được tiếng Anh nhưng cũng không dửng dưng đi mất mà tìm 1 người khác biết nói tiếng Anh để nói chuyện với bọn mình rồi cũng chính là chú đi bộ 1 đoạn đường dài đưa bọn mình lên đến tận điểm ấy. Lúc lên còn gặp 1 đám con trai lạ lạ  trong cái lúc tối muộn này giữa không gian thanh vắng, trong đầu mình xuất hiện đúng câu tạm biệt bố mẹ tạm biệt các bạn thì hoá ra chú còn dừng lại đứng đấy đợi cùng và vẫy tay đến tận lúc mình đi.

Tel Aviv, Israel – July 18, 2018: High-rise modern residential buildings on Rothschild Boulevard – one of the principal and expensive streets in the center of Tel Aviv, being one of the city’s main tourist attractions.

Quỳnh Nga, Phương Đông, Tâm Anh chụp hình lưu niệm với các bạn quốc tế

Quỳnh Nga:Lúc đầu khi mới đến Israel thì em không có nhiều hình dung lắm, nhưng như em nghĩ thì sẽ kiểu hơi không an toàn vì nằm trong khu vực hơi phức tạp. Nhưng lúc sang đây rồi thì thấy khác hẳn, ngược lại còn rất kiểu thanh bình, người dân thì nhiệt thành, đi đến đâu cũng có người giúp, nghe Việt Nam là bất ngờ rồi đối đãi bọn em rất nhiệt tình.

Với đúng là Smart city, nên kiểu như việc phương tiện giao thông công cộng cũng rất tiện, bọn em dùng ứng dụng Moovit là ra hết tuyến xe bus, tuyến nào là tối ưu, các cái khác mà được số hoá như bọn em được học thì thấy đều rất hiện đại, tiện dụng cho người dân, mỗi tội không phải công dân Tel Aviv nên không được thử ạ.

Văn hoá thì em thấy như kiểu pha trộn từ nhiều nơi, nói giống châu Âu cũng không hẳn mà Mỹ cũng không, kiểu rất riêng, mọi người rất phóng khoáng. Nhiều cái khiến em thích và bất ngờ trong cách họ thiết kế nhà cửa ở đây, hoặc kể cả các công trình, từ những khu phố cổ như gần Jaffa, hay là các điểm đang được cải tạo và phát triển như Sarona.

Về khoá học Smart Cities, có rất nhiều lý thuyết và kiến thức em chưa bao giờ tiếp cận ở Việt Nam, và thật sự thấy nếu các bạn trẻ tầm bọn em cũng biết và ý thức về việc phải phát triển thành phố theo hướng thông minh thế này thì quá tốt, kiểu nên là ai cũng nên biết đến định nghĩa về thành phố thông minh ý ạ. Nếu vậy chắc sẽ có nhiều phát kiến tốt lắm.

Cảm nhận đầu tiên của các em khi gặp Igal là như thế nào?

Tâm Anh: Trước khi đến với buổi gặp gỡ này, em đã cố gắng hình dung trong đầu liệu tỉ phú thì sẽ khác như thế nào so với người bình thường nhỉ. Nhưng khi Igal xuất hiện thì mọi thứ lại hoàn toàn khác. Ông đến với 1 bộ trang phục đơn giản áo sơ mi trắng quần âu, trông hiện đại trang trọng nhưng cũng giản dị đến không ngờ. Nếu mọi người vô tình gặp Igal ngoài đường chắc cũng chỉ nhận ra đây là một người doanh nhân thành đạt chứ cũng không ai biết rằng đây là ngài Igal Ahouvi, tỉ phú hàng đầu Israel. Đây cũng nét tính cách đặc trưng của con người nơi đây: không phô trương, không cầu kì, hoa mỹ mà luôn thân thiện, rộng lòng với mọi người…

Quỳnh Nga: Ngay lần đầu tiên nhìn thấy ông, em đã bị ấn tượng vì mới nhìn thôi đã thấy Igal rất có khí chất. Ngoài ra ở ông còn toát lên sự điềm đạm, nhưng tác phong làm việc rất nhanh nhạy, đúng như phong cách của một doanh nhân thành đạt.

Phương Đông:Trưa ngày 16/8, bọn em đã có một buổi gặp với tỷ phú Igal và hiệu trưởng trường ĐH Tel Aviv. Ấn tượng đầu tiên của em khi gặp ông Igal đó là ông rất thân thiện, khác hoàn toàn với những gì mà em hay tưởng tượng về một tỷ phú. Ông chủ động bắt tay, hỏi thăm chúng em về cảm nhận đối với khoá học, về đất nước Israel. Do vậy mà buổi nói chuyện diễn ra rất xuôn sẻ, trong không khí thân mật.

Các em đã trao đổi những câu chuyện gì với Igal Ahouvi và đại diện trường Tel Aviv? Trong đó, đâu là câu truyện khiến em ấn tượng nhất?Qua những câu chuyện đó các em có rút ra bài học gì trong cuộc sống cũng như ý tưởng khởi nghiệp của bản thân không?

Tâm Anh: Bọn em đã có cuộc trao đổi của mình với ngài Igal và Hiệu trưởng của trường Tel Aviv cùng cô Danna ở Phòng Quốc tế của trường, phụ trách khu vực Châu Á. Cuộc nói chuyện chủ yếu là buổi chia sẻ của bọn em với các thầy cô về khoá học Smart City của mình cũng như về đất nước và con người Israel. Em rất ấn tượng với sự cởi mở của các thầy cô.Các thầy cô chắc chắn rất bận với công việc ở vị trí của mình nhưng vẫn sắp xếp để gặp bọn em, để lắng nghe từng ý kiến đóng góp của bọn em để chương trình và khoá học những năm sau ngày một tốt hơn.Bọn em là những người tiên phong đầu tiên trong khoá học này.Vì vậy, em rất trân trọng cơ hội được gặp gỡ chia sẻ với mọi người. Cũng trong cuộc nói chuyện, ngài Igal và các thầy cô đã chia sẻ với bọn em về mục tiêu của Israel trong những năm tới sẽ đặt Việt Nam làm mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực cả kinh doanh và giáo dục.

Israel rất coi trọng con người và sự tiềm năng của thị trường Việt Nam. Em cảm thấy rất vui và tự hào khi nghe được điều này.Em rất mong muốn có thể đóng góp, làm cầu nối giữa 2 quốc gia, mang được tinh thần của Israel về Việt Nam. Em cũng hi vọng những năm sau này sẽ có càng nhiều càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam chọn Israel làm điểm đến du học của mình. Trước khi đến đây trong đầu em chỉ hình dung đến Israel như một quốc gia với đầy chiến tranh và nổ súng. Nhưng hiện giờ câu chuyện đã khác. Israel nói riêng và Tel Aviv nói chung theo một cách nào đấy đã thay đổi hoàn toàn con người và suy nghĩ của em. Ở giữa lòng 1 quốc gia bị bao vây bởi súng đạn, ở đây có những con người giản dị nhưng đầy khí chất, hết lòng hết tâm hết sức, dám nghĩ dám làm.

Quỳnh Nga:Trong cuộc nói chuyện, em và các bạn đã chia sẻ và trao đổi về cảm nhận cũng như những suy nghĩ về khoá học. Cô Danna, đại diện phòng Quốc tế của TAU, quản lý bộ phận châu Á đã giúp bọn em cởi mở hơn khi nhắc bọn em cứ nói thật những gì mình nghĩ trong đầu. Trong những câu chuyện đã được mọi người chia sẻ, em ấn tượng nhất với cảm xúc của Tâm Anh, vì em thấy rất sát với tâm trạng của em từ đầu chuyến đi đến giờ, đó là tất cả mọi thứ đã thay đổi góc nhìn của em về Israel và con người tại đây, em rất thích cuộc sống ở Tel Aviv và sự chân thành của những người mà em đã gặp. Với kiến thức và kinh nghiệm đã tích luỹ được trong 3 tuần vừa qua, em đã có cái nhìn khác về việc áp dụng công nghệ. Trước đây em đã nghĩ đơn giản hơn về khía cạnh này, nhưng không nghĩ ở Israel họ có thể tạo được những ý tưởng không chỉ phục vụ ý muốn của người dân mà còn đoán trước được nhu cầu của họ, giúp họ thấy Tel Aviv là một nơi đáng sống. Chắc chắn là em sẽ có những thay đổi cho ý tưởng khởi nghiệp của bản thân, và sẽ còn phải hoàn thiện lại nhiều trước khi thực thi ý tưởng này.

Phương Đông:Trong buổi gặp, chúng em đã chia sẻ những phản hồi của mình về khoá học Smart Cities và những trải nghiệm tại đất nước Israel trong suốt 3 tuần vừa qua. Đồng thời, đại diện trường ĐH Tel Aviv cũng khuyến khích chúng em thẳng thắn nêu lên những góp ý, kể cả những nhược điểm của khoá học, giúp nhà trường có thể cải thiện chất lượng của các khoá sau. Điều khiến em thích thú nhất trong suốt các hoạt động của khoá học là lần đến thăm Công viên tái chế rác thải Hiriya tại Tel Aviv. Ban đầu khi nghe tới công viên, e đã tưởng tượng tới các bãi cỏ trải dài xanh mướt, những hàng cây thẳng tắp, và thực tế đúng là như vậy. Nhưng thật khó tin khi biết công viên được xây dựng trên một núi rác. Bên cạnh đó, bọn e cũng được dẫn đi tham quan nhà máy xử lí rác thải, nhìn tận mắt quy trình tái chế rác từ lúc xử lí nguyên liệu thô cho tới khi tạo ra thành phẩm. Ở đây, mùi rác thải khá nặng, lúc mới đến chưa quen sẽ cảm thấy rất khó chịu. Chúng em cũng thắc mắc với nhân viên nhà máy là tại sao xây dựng công viên nhưng không xử lí mùi rác thải và họ giải thích rằng “Đây là cách để người dân đối mặt với những gì họ thải ra mỗi ngày”. Câu trả lời này đã hoàn toàn thuyết phục em, giúp e nhận ra gía trị của việc giáo dục ý thức cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là một mô hình mà nước ta nên học hỏi để triển khai trong tương lai.

Quỳnh Nga, Phương Đông, Tâm Anh chụp hình lưu niệm với tỉ phú Igal và đại diện trường ĐH Tel Aviv

Trước khi đến với buổi gặp gỡ này, các em có tìm hiểu trước về ông Igal không? Nếu có thì sau buổi gặp có điều gì khác so với những gì em đã tìm hiểu không?

Tâm Anh:Trước khi đến với buổi gặp gỡ, em đã đọc rất nhiều bài báo viết về sự thành công của Igal ở Việt Nam cũng như thị trường bất động sản khắp nơi trên thế giới. Ông cũng là Đại sứ danh dự Việt Nam tại nhà nước Israel.Sau buổi gặp của mình, em càng khẳng định hơn suy nghĩ của em về Igal qua các bài báo. 1 phần làm nên sự thành công của ông chính là ở sự điềm tĩnh, phong thái thư thả, lắng nghe mọi người nhưng cũng vô cùng quyết đoán, dám nghĩ, dám làm.

Quỳnh Nga:Em và các bạn có tìm hiểu qua và đọc về tiểu sử của ông. Nếu để nói là khác biệt thì em thấy không có nhiều vì ngay từ ban đầu em đã thấy rất ngưỡng mộ Igal vì những gì ông đã làm được, cũng như có sự hình dung của riêng mình về ông.

Phương Đông:Trước khi đến với buổi gặp, e cũng có tìm hiểu qua về tiểu sử của ông Igal nên cũng không bị “bỡ ngỡ” lúc mới gặp. Điều khiến em bất ngờ là phong thái điềm đạm và gần gũi của ông.

Ngoài những điều trên, có còn chi tiết nào của buổi gặp gỡ mà các em muốn chia sẻ không?

Tâm Anh:Bọn em sau buổi gặp gỡ còn được thầy cô tặng 1 món quà là chiếc pin dự phòng có gắn logo của trường. Bọn em rất vui và trân trọng món quà này. Như vậy, em có thể mang theo cả Tel Aviv University về nhà cùng rồi theo 1 cách nghĩ nào đấy. Cứ như là bọn em đã trở thành 1 phần ở nơi đây rồi thì phải.

Quỳnh Nga:Khá bất ngờ, đó là không chỉ được chia sẻ những gì mình nghĩ, mà em và các bạn còn nhận được quà từ nhà trường. Mỗi người bọn em được trường tặng một chiếc pin dự phòng có in logo TAU rất xinh. Cách thầy cô nói chuyện cũng giúp em cảm thấy gần gũi, cởi mở và được trân trọng. Em rất biết ơn vì đã có cơ hội được học tại TAU.

Phương Đông:Trong buổi gặp gỡ, phía nhà trường cũng chia sẻ về dự định tăng cường hơn nữa hợp tác với khu vực châu Á thông qua các học bổng, các chương trình trao đổi dành cho sinh viên. Phía nhà trường và tỷ phú Igal cũng dành nhiều lời khen cho thanh niên Việt Nam về sự năng động, ham học hỏi và sáng tạo.

Thanh Long

 
Nguồn: Thanhnienviet.vn